4- Nội dung của bức thông điệp

"Dives in Misericordia" nói lên những gì?

 

Nội dung của bức thông điệp này nói lên "sự thật về tình thương của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô tử giá và phục sinh".

            "Sứ điệp thiên sai của Đức Kitô và hoạt động của Người giữa con người được kết thúc ở thập giá và cuộc phục sinh của Người...

            "Những biến cố của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và cả những biến cố trước đó, trong cuộc cầu nguyện ở Vườn Nhiệt, đưa đến một thay đổi toàn diện tất cả diễn trình mạc khải về tình yêu và lòng thương xót nơi sứ vụ thiên sai của Đức Kitô. Người là Đấng 'đi đây đó làm phúc và chữa trị' (Acts 10:38) và 'chữa khỏi mọi bệnh hoạn yếu đau' (Mt.9:35), nay lại chính là Đấng đáng thương nhất và là Đấng thiết tha kêu cầu tình thương, khi Người bị tống giam, bị xử tệ, bị lên án, bị hành hình, chịu đội mạo gai, khi Người bị đóng đanh trên cây thập giá và chết giữa những cực hình đau thương (x.Mk.15:37; Jn.19:30). Chính lúc bấy giờ là lúc Người đặc biệt xứng đáng được con người thương xót, thành phần Người đã làm ơn cho, song Người không được họ thương. Ngay cả những kẻ gần Người nhất cũng không thể bảo vệ Người và giật Người khỏi tay những kẻ đàn áp Người. Ở giai đoạn cuối cùng trong hoạt động thiên sai của Người này, những lời tiên tri, nhất là của Isaia, đã nói về Người Tôi Tớ của Giavê đã được nên trọn nơi Đức Kitô: 'Chúng ta được chữa lành nhờ những vết thương của Người' (Is.53:5).

            "Đức Kitô, một con người thực sự chịu khổ, và chịu khổ một cách khủng khiếp trong Vườn Cây Dầu và trên đồi Canvê, đã tự nói cùng Cha - một Người Cha mà Người đã giảng dậy tình yêu của Ngài cho con người, một Người Cha mà Người đã dùng tất cả mọi hoạt động của mình để làm chứng cho tình thương của Ngài. Thế nhưng Người cũng không được dung tha - bất kể là Người đi nữa - cho khỏi đau khổ khủng khiếp của cái chết trên thập giá: 'Vì chúng ta, Thiên Chúa đã làm cho Người là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor.5:21). Thánh Phaolô sẽ viết, tóm tắt trong mấy chữ, tất cả tầm mức sâu xa của thập giá cùng với chiều kích thần linh nơi thực tại của việc Cứu Chuộc. Việc Cứu Chuộc này là mạc khải tối hậu và chính thực về đức thành thiện của Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối viên toàn trọn hảo: viên toàn công chính và yêu thương, vì công chính dựa trên yêu thương, phát xuất từ yêu thương và qui về yêu thương. Trong cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Kitô - vì Chúa Cha đã không dung tha cho Con Một mình, song 'vì chúng ta mà làm cho Người nên tội lỗi' - công lý tuyệt đối đã được thể hiện, vì Đức Kitô đã chịu thương khó và thập giá bởi tội lỗi của nhân loại. Điều này tạo nên cả một mức độ 'thặng dư' của đức công chính, vì các tội lỗi của loài người được 'đền bù' bằng hy sinh của một vị Thiên Chúa làm Người (the Man-God). Tuy nhiên, đức công chính này, một đức công chính xứng hợp 'với tầm vóc của Thiên Chúa', lại hoàn toàn phát xuất từ tình yêu: từ tình yêu của Cha và của Con, hoàn toàn sinh hoa kết trái trong tình yêu. Chính vì lý do này mà đức công chính thần linh được tỏ hiện nơi thập giá của Đức Kitô hợp 'với tầm vóc của Thiên Chúa', vì nó phát xuất từ tình yêu và được hoàn tất trong tình yêu, sinh hoa trái kết trái cứu độ. Chiều kích thần linh của việc cứu chuộc này mang lại hiệu qủa, không những bằng cách đem lại cho đức công chính cuộc thắng trị trên tội lỗi, mà còn bằng cách phục hồi cho tình yêu quyền năng tạo tác nơi con người, nhờ đó, một lần nữa, họ có thể đạt được mức độ viên trọn của sự sống và thánh thiện do Thiên Chúa ban. Như thế, việc cứu chuộc bao gồm việc mạc khải của tình thương trong mức độ viên trọn của nó.

            "Mầu Nhiệm Vượt Qua là tột đỉnh của mạc khải cùng với hiệu qủa của tình thương này, một tình thương có thể công chính hóa con người, có thể phục hồi đức công chính trong ý nghĩa của trật tự cứu độ mà Thiên Chúa muốn có từ ban đầu nơi con người, và qua con người, nơi cả thế giới nữa. Đức Kitô khổ nạn nói với con người một cách đặc biệt, chứ không riêng gì tín hữu. Người không phải là tín hữu cũng có thể khám phá ra nơi Người lời nói hùng hồn về tình đoàn kết nơi quyết định của con người, cũng như khám phá nơi Người mức độ viên trọn hòa điệu của việc hiến thân vô vị lợi vì con người, cho chân lý và cho tình yêu. Tuy thế, chiều kích thần linh của Mầu Nhiệm Vượt Qua này còn sâu xa hơn nữa. Thập giá ở đồi Canvê, thập giá mà trên ấy Đức Kitô đã thực hiện một cuộc đối thoại cuối cùng với Cha, phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu mà con người, được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, đã được ban cho như một tặng ân, theo dự án đời đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải về Ngài, không chỉ gắn liền với thế giới như một Hóa Công và như một nguồn mạch tối hậu của việc hiện hữu. Ngài cũng là Cha: Ngài gắn liền với con người, thành phần mà Ngài đã kêu gọi vào thế giới hữu hình này, bằng một liên hệ còn thân tình hơn cả mối liên hệ tạo thành nữa. Đó là tình yêu, một tình yêu chẳng những tạo nên sự thiện mà còn ban cho nó được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Vì Ngài là Đấng yêu thương muốn ban chính bản thân mình.

            "Thập giá của Đức Kitô trên đồi Canvê được dựng đứng bên cạnh con đường của admirabile commercium ấy, của việc thông ban kỳ diệu của Thiên Chúa cho con người ấy, cũng chất chứa cả một lời kêu mời con người đến để chia sẻ với sự sống thần linh, bằng việc họ hiến chính bản thân mình, và cùng với chính bản thân họ là toàn thể thế giới hữu hình, cho Thiên Chúa, và như một người con được thừa nhận, họ cũng được kêu mời đến để trở nên một người thừa hưởng trong chân lý và tình yêu, tức trong Thiên Chúa và từ Thiên Chúa. Chính ở bên cạnh con đường đời đời được tuyển chọn của con người này đến phẩm vị được thừa nhận làm dưỡng tử của Thiên Chúa mà trong lịch sử mới dựng đứng cây thập giá của Đức Kitô, Người Con duy nhất, Đấng 'là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật', đã đến để minh chứng tối hậu cho giao ước diệu kỳ của Thiên Chúa với nhân tính, của Thiên Chúa với con người - với mọi người. Giao ước này, cổ như con người - bắt đầu từ chính mầu nhiệm tạo dựng - và sau đó, nhiều lần được canh tân với một dân được tuyển chọn duy nhất, cũng là giao ước mới và là giao ước sau cùng được thiết lập trên đồi Canvê ấy, không chỉ cho riêng một dân nào, cho Ích-Diên, mà là lập nên cho mỗi người và cho mọi người.

            "Thế thì thập giá của Đức Kitô còn gì để nói với chúng ta nữa, một thập giá mà, theo một nghĩa nào đó, là lời nói sau cùng của sứ điệp và sứ vụ thiên sai của Người? Thế mà đây cũng chưa phải là lời của một vị Thiên Chúa giao ước: lời đó sẽ được công bố vào lúc rạng đông, khi mà đầu tiên là các người nữ, sau đó đến các Tông Đồ, đến mồ của Đức Kitô tử giá, thấy ngôi mộ trống và thoạt tiên nghe thấy sứ điệp: 'Ngài sống lại' Họ sẽ lập lại sứ điệp này cho những người khác và sẽ là những nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, ngay cả trong cuộc khởi hoàn này của Con Thiên Chúa, thập giá vẫn còn đó, thập giá mà - nhờ tất cả chứng từ thiên sai của Con Người, Đấng đã chịu chết vì nó - nói và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Đấng tuyệt đối trung thành với tình yêu đời đời của Ngài dành cho con người, vì Ngài 'qúa yêu thế gian' - vì thế con người mới ở trong thế gian - đến nỗi 'đã ban Con một mình, để ai tin Con sẽ không phải chết nhưng được sự sống muôn đời' (Jn.3:16). Tin vào Người Con tử giá tức là 'thấy Cha' (Jn.14:9), tức là tin rằng tình yêu hiện diện trong thế giới này, và tình yêu này mạnh hơn bất cứ một loại sự dữ nào vây bọc cá nhân, loài người hay thế giới. Tin vào tình yêu này là tin vào tình thương. Vì tình thương là một chiều kích không thể nào tách rời của tình yêu; nó thực sự như là một danh hiệu thứ hai của tình yêu, đồng thời, là một thể thức đặc biệt cho tình yêu tỏ mình ra và tác dụng ngược lại với thực tại của sự dữ trong thế giới đang chi phối và bủa vây con người, đang thấm vào tận tâm can họ và có khả năng khiến cho họ bị 'tử vong trong Hỏa Ngục' (Mt.10:28)".           

            8- "Thập giá của Đức Kitô trên đồi Canvê còn là một chứng cớ nói lên sức mạnh của sự dữ phạm đến chính Con Thiên Chúa, phạm đến Đấng duy nhất trong cả con cái loài người, theo bản tính của mình, tuyệt đối ngay lành (innocent) và không vương tội (free from sin), và cũng là Đấng đến trong thế gian không bị nhiễm lây việc bất tuân phục của Adong và bị nguyên tội truyền nhiễm. Mà đây, chính ở nơi Người, nơi Đức Kitô, công chính lại hành xử tội lỗi bằng giá hy sinh của Người, của việc Người tuân phục 'cho đến chết' (Phil.2:8). Người là Đấng vô tội mà 'Thiên Chúa lại vì chúng ta làm cho Người thành tội' (2Cor.5:21). Công chính cũng được thực thi để loại trừ sự chết, một sự chết mà ngay đầu lịch sử của con người đã bắt tay với tội lỗi. Sự chết bị công chính hành xử bằng giá của cái chết nơi Người là Đấng vô tội và là Đấng duy nhất, với cái chết của mình, bắt cái chết phải chết (to inflict death upon death) (1Cor.15:54-55). Như thế, thập giá của Đức Kitô, thập giá mà trên ấy, Người Con đồng bản thể với Cha, hoàn trả trọn vẹn công chính cho Thiên Chúa, cũng là tất cả mạc khải của tình thương, hay của tình yêu đương đầu với cái làm nên chính căn nguyên của sự dữ trong lịch sử cũa loài người: tức đương đầu với tội lỗi và sự chết.

            "Thập giá là một cuộc hiển hiện chính yếu nhất của Thiên Chúa trước con người và trước cái mà con người - đặc biệt trong những giây phút khó khăn và đau đớn - nhìn lên như là một định mệnh bất hạnh của mình. Thập giá chẳng khác gì như tình yêu đời đời chạm đến những vết thương đau đớn nhất trong cuộc hiện hữu trần gian của con người; nó là việc hoàn tất trọn vẹn chương trình thiên sai được Đức Kitô một lần phác họa trong hội đường thành Nazarét (x.Lk.4:18-21), và còn lập lại cho những sứ giả của Thánh Gioan Tẩy Giả (Lk.7:20-23). Theo những lời đã được viết trước của tiên tri Isaia (x.35:5;61:1-3), thì chương trình này gồm có việc mạc khải tình yêu nhân hậu cho người nghèo, kẻ khổ đau và những tù nhân, kẻ mù lòa, người bị áp bức và những tội nhân. Trong mầu nhiệm vượt qua, những giới hạn của sự dữ đa diện mà con người thừa hưởng nơi cuộc hiện hữu trần thế của mình bị khỏa lấp: thập giá của Đức Kitô, thật vậy, làm cho chúng ta hiểu rằng những cội gốc sâu xa nhất của sự dữ được gắn liền với tội lỗi và sự chết; do đó mà thập giá trở thành một dấu hiệu cánh chung (an eschatological sign). Chỉ trong việc hoàn thành cánh chung và cuộc canh tân cuối cùng của thế giới tình yêu mới thắng được, nơi tất cả mọi người được chọn, những gốc rễ sâu xa nhất của sự dữ, mang lại như những hoa trái chín mùi nhất của mình cho vương quốc sự sống và thánh thiện, cũng như cho một cuộc trường sinh bất tử hiển vinh. Nguồn gốc của việc hoàn thành cánh chung này đã được hàm chứa trong thập giá của Đức Kitô cũng như nơi cái chết của Người. Sự việc Đức Kitô 'ngày thứ ba sống lại' (1Cor.15:4) tạo nên một dấu hiệu cuối cùng cho sứ vụ thiên sai, một dấu hiệu làm hoàn hảo toàn thể mạc khải của tình yêu nhân hậu trong một thế giới bị lụy thuộc vào sự dữ. Đồng thời nó cũng làm nên một dấu hiệu báo trước 'một trời mới và một đất mới' (Rev.21:1), khi mà Thiên Chúa 'sẽ lau khô mọi giọt lệ cho khỏi mắt họ, sẽ không còn chết nữa, hay than van, khóc lóc, hay đớn đau, vì những gì trước đây đã qua đi' (Rev.21:4).

            "Trong việc hoàn thành cánh chung, tình thương sẽ được mạc khải như là tình yêu, ngược lại, ở giai đoạn tạm thời này, nơi lịch sử nhân loại cũng là lịch sử của tội lỗi và sự chết, tình yêu trước hết phải được mạc khải như là tình thương và cũng phải hiện thực như là tình thương. Chương trình thiên sai của Đức Kitô, một chương trình của tình thương, trở thành chương trình của dân Người, chương trình của Giáo Hội. Ngay chính tâm điểm của chương trình này luôn luôn vẫn là thập giá, vì chính ở nơi thập giá mà mạc khải của tình yêu nhân hậu đạt tới tuyệt đỉnh của mình. Cho đến khi 'những gì trước đây đã qua đi' thập giá vẫn là điểm đối chiếu của những lời khác nữa trong Khải Huyền của Thánh Gioan: 'Này đây Ta đứng ở ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe thấy tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào và ăn uống với họ rồi ở cùng họ' (Rev.3:20). Theo một ý nghĩa đặc biệt, Thiên Chúa cũng mạc khải tình thương của Ngài ra khi Ngài mời gọi con người 'thương xót' Con Một của Ngài, một con người tử giá.

            "Đức Kitô, thực sự như một con người tử giá, là Lời không qua đi (x.Mt.24:35), và Người cũng là Đấng đứng ở cửa mà gõ vào lòng của mọi người mà không đụng chạm gì đến tự do của họ, trái lại tìm cách rút lấy tình yêu từ chính niềm tự do này, một tình yêu không phải chỉ là một tác động liên kết với nỗi khổ đau nơi Con của con người, mà còn là một 'tình thương' mỗi người trong chúng ta tỏ ra đối với Con của Cha hằng sống. Trong tất cả chương trình thiên sai này của Đức Kitô, trong toàn thể mạc khải của tình thương nơi cây thập giá, phẩm vị của con người còn có thể nào được tôn trọng và cao qúi hơn nữa, vì, khi nhận lấy tình thương, một cách nào đó, đồng thời Người cũng là Đấng 'tỏ bày tình thương'.

            "Tóm lại, đây không phải hay sao là thân phận của Đức Kitô liên quan đến con người qua lời Người phán: 'Khi các ngươi làm điều này cho một trong những anh em nhỏ mọn nhất của Ta... là các ngươi làm cho chính Ta' (Mt.25:40)? Những lời của Bài Giảng Trên Núi: 'Phúc cho người xót thương, vì họ sẽ được thương xót' (Mt.5:7), theo một nghĩa nào đó, tạo nên một tổng luận (synthesis) của toàn thể Tin Mừng, của tất cả 'cuộc trao đổi diệu kỳ' (admirabile commercium) được hàm chứa trong đó hay sao? Cuộc trao đổi này là một luật lệ cho chính dự án cứu độ, một luật lệ giản dị, mạnh mẽ, đồng thời cũng 'dễ dàng' nữa...

            "Mầu Nhiệm Vượt Qua là Đức Kitô xẩy ra vào lúc tột đỉnh của mạc khải về mầu nhiệm khôn thấu của Thiên Chúa. Chính lúc bấy giờ mà những lời được loan báo trên Căn Gác ấy được nên trọn: 'Ai thấy Ta là thấy Cha' (Jn.14:9). Thật vậy, Đức Kitô, Đấng mà Cha vì con người 'đã không dung tha' (Rm.8:32), và Đấng mà trong cuộc tử nạn của Người, cũng như trong cực hình thập giá, không chiếm được tình thương của con người, đã mạc khải nơi cuộc Phục Sinh của Người tầm mức viên trọn của tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Người, và trong Người, cho tất cả mọi người. 'Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống' (Mk.12:27). Trong cuộc phục sinh của mình, Người đã mạc khải Thiên Chúa của tình yêu nhân hậu, chính là bởi vì Người đã chấp nhận thập giá như một đường lối để phục sinh...

            "Đó là Con Thiên Chúa, Đấng trong cuộc phục sinh của mình, đã cảm nghiệm một cách thấâm thiá tình thương dành cho Người, đó là tình yêu của Cha là một tình yêu mạnh hơn sự chết. Cũng một Đức Kitô này, Con Thiên Chúa, Đấng đi tới cùng tận sứ vụ thiên sai của mình - và, một cách nào đó, vượt cả ra ngoài mức tận cùng này - tỏ mình ra như là một nguồn mạch khôn cùng của tình thương, của cùng một tình yêu, mà theo quan điểm sau này của lịch sử cứu rỗi trong Giáo Hội, được đời đời xác nhận là mạnh hơn cả tội lỗi. Đức Kitô vượt qua thực sự là cuộc nhập thể của tình thương, là dấu hiệu sống động của tình thương: trong lịch sử cứu độ cũng như vào lúc cánh chung..."